Thần đạo Shinto (P1): Thần đạo, tôn giáo bản địa của Nhật Bản

Shinto (神道) hay còn gọi là Thần đạo, là tôn giáo bản địa của người Nhật. Nó đã ra đời và phát triển rất lâu ở Nhật Bản và ăn sâu vào tiềm thức cũng như trái tim của người dân. Thần đạo có mối quan hệ rất mật thiết với địa lý và lịch sử của Nhật Bản, chính vì vậy nó có nhiều điểm tương đồng với tính cách của người Nhật. Đây là tôn giáo đã định hình văn hóa Nhật Bản cũng như được chính nền văn hóa Nhật Bản định hình. (từ giờ xin được gọi Shinto là Thần đạo để tiện cho bạn đọc theo dõi).
Những người châu Á theo đạo truyền thống thường có thái độ khoan dung và cùng lúc bao gồm nhiều đức tin khác nhau; nói cách khác, con người có thể tin vào và thực hành nhiều tôn giáo khác nhau. Họ không cảm thấy có gì là mâu thuẫn khi vừa theo Thần đạo, vừa theo một đạo khác – thường là Đạo Phật. Trong số 128 triệu dân Nhật Bản thì có 107 triệu xác nhận theo Thần đạo và 89 triệu người theo Đạo Phật ( theo thống kê của Tổng cục văn hóa Nhật Bản – 2006). Theo đó thì gần như tất cả người dân Nhật Bản đều theo đạo và những người theo Thần đạo có vẻ chiếm tỉ lệ nhiều hơn. Số còn lại nhiều người thực hành theo các “Tôn giáo mới”, những tôn giáo du mới du nhập vào Nhật Bản từ thế kỉ 19, bao gồm Đạo Thiên Chúa (3 triệu người), Đạo Hồi (120 000 người) và Do Thái Giáo (2 000 người).
Thần đạo đã gắn liền với Đạo Phật từ hàng thế kỉ, thậm chí còn chia sẻ chung những đền chùa. Người Nhật có câu ” Sinh theo Thần, Chết theo Phật”, cho thấy đức tin của họ vào cả 2 tôn giáo.
Thần đạo là gì ?

Thần đạo, chữ Hán là 神道, nghĩa là “con đường của Thần” (kami no michi). Kami (神) là các linh hồn hay vị thần hiện diện ở khắp mọi nơi. Thần đạo vẫn chưa có một cái tên chính thức cho đến khi Đạo Phật (con đường của Đức Phật) du nhập vào Nhật Bản vào thế kỉ thứ 6 và mọi người thấy cần đặt tên cho Thần đạo để phân biệt. Trước đó, người Nhật chỉ đơn giản làm theo các lễ nghi và đức tin mà họ coi là hiển nhiên trong thế giới mà họ sinh sống.


Thần và linh hồn
Không giống như các tôn giáo khác như Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi hay Do Thái Giáo, những tôn giáo chỉ tin vào một vị thần tối cao, Thần đạo theo lối “đa thần giáo” – nghĩa là có rất nhiều các vị thần. Chữ Shin(神)chỉ nhằm phân biệt giữa con người với những linh hồn/ thần linh mà con người tin vào, chứ không nhằm chỉ một vị thần cụ thể nào. Một số linh hồn trong Thần đạo, ví dụ như Thần Mặt trời Amaterasu, được coi là Thần nhưng hầu hết số còn lại là các linh hồn cùng chung sống với con người. Thế giới trong Thần đạo là một dòng chảy liên tục của sự sáng tạo, từ những linh hồn sống cao tít trên Thiên đàng đến những linh hồn trú ngụ trong cây, đá, bụi và tất cả những gì xung quanh. Tất cả mọi vật đều có linh hồn và có tiếng nói của riêng mình. Con người chẳng qua cũng chỉ là một phần trong dòng chảy đó.
Kami, linh hồn, có ở mọi nơi và bất cứ cái gì hiện hữu đều có thể là kami (Từ giờ xin gọi kami là thần để bạn đọc tiện theo dõi). Những vật tự nhiên như đá, cây cối, núi sông, thác nước, động vật, sấm chớp… tất cả đều có thể là kami, nhất là với những vật hoặc hiện tượng có phần kì lạ và nổi bật. Không phải tất cả các vật tự nhiên đều là thần, nhưng Thần đạo khuyến khích việc tô trọng những vật tự nhiên, vì ngay cả những vật bình thường nhất cũng có thể có các linh hồn trú ngụ bên trong.
Không ai biết ai là người tạo ra Thần đạo và cũng không có những hình tượng trung tâm như Muhammad, Đức Phật hay Chúa Jesus.
Cầu nguyện và Thanh tẩy
Dụng cụ thanh tẩy miệng và tay trước khi thăm đền
Một điểm khác nữa của Thần đạo so với các tôn giáo khác là nó không có kinh thư hay Kinh thánh như Bible, Torah, Guru Granth Sahib hay Quran. Nó chỉ có những câu cầu nguyện, những câu khấn cổ là norito hay norii, đã được truyền miệng từ hàng thế kỉ trước khi được ghi lại lên giấy. Một trong những đức tin của Thần đạo là những từ ngữ lời hay ý đẹp nếu được nói ra đúng lúc đúng chỗ, thì sẽ có thể đem về những kết quả tốt. Những câu cầu nguyện vì vậy thường được các thần chủ (người trông coi đền thờ Thần đạo và hay đứng ra thực hiện các nghi thức trong các buổi lễ) học thuộc lòng và gửi đến các thần tại các đền thờ Thần đạo trong các nghi thức và các lễ hội hằng năm (matsuri).
Mặc dù không có những câu giáo điều, những điều buộc người theo đạo phải trung thành làm theo, Thần đạo đem đến cho những theo đạo những giá trị, chuẩn mực và cách nghĩ mà dần dần thấm sâu vào cuộc sống của người Nhật. Thần đạo đề cao sự sạch sẽ và thanh tẩy. Những nơi đặt các ngôi đền thờ Thần đạo thường có dòng nước chảy qua, như sông hay suối, những người theo đạo sẽ dùng nước ở đó để rửa tay và rửa miệng trước khi đến đền thờ. Lý tưởng của Thần đạo là hướng đến sự tinh khiết và thành thật, những đức tính làm hài lòng các thần.
Thần đạo và Vùng đất Nhật Bản
[Cổng Torii của đền Ootakayama] Đây là Torii, cổng đền thờ Thần. Torii có nghĩa là “điểu cư” (鳥居) – nơi trú của chim, bởi người ta quan niệm chim là sứ giả của thần, bản thân hình dạng cổng đền cũng giống cánh chim đang vươn đến bầu trời. Ngụ ý rằng người đi qua cổng vào đến sắp đến một nơi linh thiêng.

Bản thân đất nước Nhật Bản là một nhân tố quan trọng trong Thần đạo. Mặc dù người ta không ngay lặp tức tôn thờ vùng đất mình sinh ra, nhưng qua năm tháng con người học được cách tôn trọng và yêu quý vùng đất mình sinh sống. Nhật Bản là một đất nước có thiên nhiên tươi đẹp và trù phú, từ những ngọn núi lửa đỉnh phủ tuyết trắng, những rặng núi cao sừng sững cho đến những con vịnh, những bờ biển yên bình. Mọi thứ từ cây cối, đá sỏi đến những con lạch, những thác nước, cùng với những sinh vật sống cùng hòa quyện, giống như một chốn linh thiêng, một thứ thiên nhiên có hồn. Những tập tục thực hành Thần đạo bắt đầu từ trong những gia đình làm nông hoặc những làng chài, nơi tín ngưỡng đã có từ lâu và gắn liền với vùng đất đó. Chính vì vậy, Thần đạo chưa bao giờ vượt ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, và Nhật Hoàng luôn được coi là người gìn giữ đức tin vào Thần đạo. Những người theo Thần đạo ở ngoài lãnh thổ Nhật Bản hầu hết là những người sinh ra ở Nhật Bản, mặc dù đã xa quê hương nhưng vẫn gìn giữ và làm theo tôn giáo chính cống của mình. Không như Đạo Thiên chúa hay Đạo Hồi, luôn đi thao giảng và truyền bá tôn giáo của mình, Thần đạo chính tông không hề cử các đại sứ đi rao giảng đức tin hay cố gắng cải đạo người khác, mặc dù ngày nay cũng có những nhóm nhỏ theo Thần đạo khuyến khích người khác cải theo Thần Đạo.
Như một quy luật, người ta không gia nhập Thần đạo theo bất cứ lễ nghi chính thức nào. Người ta sinh ra và lớn lên cùng nó, học cách tự nhận biết theo Thần đạo thì phải như thế nào, cũng giống cách họ nhìn nhận ra gia đình mình, thành phố và vùng đất mình đang sống, đất nước mình sinh ra. Trong suốt cuộc đời, dù họ có coi mình theo đạo hay không đi chăng nữa, những người này quan sát các lễ hội Thần đạo và sẽ tự mình ý thức thực hành Thần đạo.

Sự đa dạng của Thần đạo
Trong suốt lịch sử của Nhật Bản, Thần đạo đã liên tục thay đổi để đáp ứng điều kiện và nhu cầu của những người theo đạo. Khi tôn giáo của Trung Quốc đến Nhật Bản (khoảng năm 200 SCN), Thần đạo có kết hợp một số yếu tố của Đạo giáo và Nho giáo. Từ thế kỉ thứ 6 đến giữa thế kỉ 19, Thần đạo có liên hệ mật thiết với Đạo Phật, đến nỗi nó gần như biến mất trước Đạo Phật. Thần đạo luôn thay đổi và thích nghi tùy vào điều kiện hiện tại và thời gian. Nó vẫn tiếp tục tồn tại đến ngày nay.
Thần đạo quốc gia (国家神道)
Sau hàng thập kỉ bị cái bóng của Phật giáo che phủ, Thần đạo hồi sinh trở lại như một tôn giáo riêng biệt vào cuối những năm 1800 dưới thời Thiên hoàng Minh Trị. Ông khuyến khích theo Thần đạo và sử dụng ngân sách Chính phủ để ủng hộ cho các đền thờ Thần đạo và những người làm lễ, chăm sóc ngôi đền. Mô hình Thần đạo phát triển dưới thời Minh Trị được gọi là Thần đạo quốc gia. Nó nhấn mạnh vào lòng yêu nước và trung thành với Thiên hoàng, như một đấng tối cao đại diện cho các vị Thần. Thần đạo quốc gia kéo dài đến cuối Thế chiến thứ II năm 1945, nước Nhật thua trận đầu hàng và phải bãi bỏ Thần đạo này dưới sức ép của Quân Đồng Minh.
[Đền Ise] Từ lâu Nhật hoàng đã được coi là người bảo vệ đức tin Thần đạo. Cung điện hoàng gia có 3 ngôi đền đặc biệt dành cho Nhật Hoàng. Gia đình của Nhật hoàng cũng duy trì mối liên hệ thường xuyên với Ngôi đền Ise thờ thần Mặt trời Amaterasu, ngôi đền linh thiêng nhất Nhật Bản. Trong các lễ hội, Nhật Hoàng cùng gia đình ghé thăm ngôi đền. Theo truyền thống, người cao niên nhất trong gia đình sẽ làm Thần chủ của ngôi đền và những tuyên bố quan trọng liên quan đến Hoàng gia sẽ được diễn ra ở đây. Phong tục liên hệ giữa Hoàng gia với Thần đạo được gọi là Hoàng Thất Thần Đạo (皇室神道)

Thần đạo phái (教派神道) Trong khi Thần đạo quốc gia bành trướng dưới thời Minh Trị, thì sự phục hưng của tôn giáo cũng diễn ra trong những tầng lớp những người nông dân. Những người này bắt đầu đi theo những Giáo chủ, những người được coi là vô cùng thông thái khi đã theo học và tiếp thu Thần đạo, Đạo Phật và những tôn giáo bản địa khác. Những Giáo chủ này, được coi là các vị thần sống và những tôn giáo mới mà họ sáng lập ra thu hút rất nhiều người tin theo. Mặc dù những tôn giáo mới này có nhiều nét khác biệt với Thần đạo truyền thống, nhưng vì những điểm tương đồng rất nhiều nên những tôn giáo này còn được gọi là Thần đạo phái ( các giáo phái khác nhau của Thần đạo). Trong số 13 giáo phái đã được nhân diện thì Tenrikyo () được coi là lớn nhất và nổi tiếng nhất, ngày nay vẫn thu hút người mới tin theo.
Biểu tượng của Tenrikyo


Đền thờ Thần đạo
Các đền thờ Thần đạo mọc lên như nấm sau khi Thế chiến thứ II kết thúc năm 1945, Hiến pháp Nhật Bản cho phép tự do tôn giáo tín ngưỡng và ngăn cản Chính phủ can thiệp ủng hộ Thần đạo như Quốc giáo, Cơ quan lo việc tôn giáo và khuyến khích Thần đạo phát triển cũng bị giải thể.
Tuy nhiên, vẫn có hơn 80 000 Đền thờ Thần đạo được xây dựng trải khắp lãnh thổ Nhật Bản, và sau khi đất nước bại trận trong Chiến tranh, người dân có nhu cầu bày tỏ đức tin cũng như cầu nguyện nhiều hơn. Với mục đích nhằm duy trì các đền thờ này, các Thần chủ và Giáo chủ các giáo phái của Thần đạo cùng bắt tay nhau và lập ra Jinja Honcho (神社本庁)- Hiệp hội quản lý các đền thờ Thần, ngày nay vẫn đứng ra lên lịch cho các lễ hội và bảo tồn các đền thờ Thần.
Jinja Honcho

Thần đạo dân gian (民俗神道)
Nhiều người thực hiện các nghi lễ Thần đạo mà không cần lệ thuộc vào ngôi đền nào trong hệ thống Jinja Honcho. Họ thờ cúng tổ tiên, cầu khấn các vị thần ở địa phương, trong nhà hoặc ngoài đồng ruộng, ở các đền miếu nhỏ. Hình thức này được gọi là Thần đạo dân gian. Chính hình thức này mang những phong tục của Thần đạo từ xa xưa, từ đó mà hình thành nên những tập tục và đức tin của Thần đạo ngày nay.
Trên hết, Thần đạo đề cao yếu tố gia đình. Rất nhiều người thực hành Thần đạo tại nhà, trong nhà luôn luôn có ban thờ hoặc miếu nhỏ thờ một vị thần nào đó và hằng ngày cầu nguyện cũng như thực hiện các nghi thức đơn giản. Trong các lễ hội, thần của các ngôi đền tại địa phương được đặt lên những chiếc kiệu và đi diễu hành khắp thị trấn để đến thăm những nơi được phù hộ. Đây cũng là dịp để người dân trong vùng cùng nhau ăn mừng, liên hoan.
Thần đạo trong đời sống người Nhật
Thần đạo nhấn mạnh và đề cao sự thuần khiết và ngay thẳng. Trẻ con được dạy phải lắng nghe trái tim mình; kính trọng tổ tiên, bậc trên dạy dỗ mình và quý trọng thế giới tự nhiên; tôn kính các thần – những linh hồn đã nuôi nấng và phù hộ cho ta. Đó là tinh thần của Thần đạo
Thần đạo trong Công nghiệp và Giáo dục
Bắt nguồn từ nông thôn, từ thiên nhiên nhưng Thần đạo cũng đã thích nghi với những con người trong xã hội hiện đại. Một số công ty mộ đạo còn xây dựng các đền thờ Thần cho công ty. Các công ty còn thỉnh cầu các thần ở ngoài đồng hoặc gần suối để cầu may mắn và làm ăn phát đạt. Nhiều ngôi đền ở các thành phố lớn còn có một khu vực riêng để thực hiện các nghi lễ đặc biệt, ví dụ như lễ cầu may cho một loại ô tô mới của công ty. Các thần chủ đôi khi còn có mặt để làm lễ trong các lễ động thổ cho việc xây dựng các tòa nhà mới. Vai trò của Thần đạo chỉ đơn giản mang tính hình thức và cầu an. Nó không có vai trò gì trong giáo dục hay vận động công chúng.
Các lễ hội Thần đạo thường có cuộc diễu hành, những thanh niên sẽ vác mikoshi, hay kiệu, đi quanh thành phố.
Các vị thần được tin rằng đang trú ngụ bên trong mikoshi. Vì vậy họ sẽ diễu hành kiệu đi đến những nơi thần phù
trợ và bảo hộ, cho phép mọi người bày tỏ lòng tôn kính với thần, cầu xin sự may mắn và bình an.

Thiên nhiên và Thần
Ở một đất nước ông nghiệp hóa mạnh mẽ như Nhật Bản, Thần đạo đóng vai trò liên kết con người với thiên nhiên, quý trọng thiên nhiên. Ngành du lịch nhờ thế mà trở nên phát đạt nhờ việc dẫn các du khách đến thăm các đền thờ Thần đạo với xung quanh là những quang cảnh, di sản thiên nhiên gắn liền với câu chuyện về các vị thần.
Theo truyền thuyết, những hòn đảo tươi đẹp của Nhật Bản, những ngọn núi đỉnh phủ tuyết trắng xóa, những bãi cát dát vàng, những thác nước hùng vĩ và thảm thực vật phong phú, đều được tạo ra bởi các vị thần và rồi hóa thân vào các sự vật, hiện tượng và rồi sinh ra con người. Mặc dù một số người Nhật hiện đại miễn cưỡng chấp nhận các đức tin của Thần đạo, nhưng họ vẫn bày tỏ sự kính trọng đối với các thần đã tạo nên thiên nhiên và con người.
Nguồn:
World Religions – Shinto, by Paula R.Hartz, 3rd Edition, 2009
Thần đạo, Wikipedia
Shinto, Wikipedia
Bài post được dịch dựa vào cuốn World Religions – Shinto của Paula R.Hartz không vì mục đích thương mại
Thần đạo Shinto (P1): Thần đạo, tôn giáo bản địa của Nhật Bản Thần đạo Shinto (P1): Thần đạo, tôn giáo bản địa của Nhật Bản Reviewed by genen on tháng 11 12, 2015 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.